0915.489.819

Quan hệ công chúng & Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp

Anphabe – Làm Hay Phải Đi Đôi Với Làm Tốt

Lý Trường Chiến – Chủ tịch Trí Tri Group 

(Anphabe.com) – Ngày nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR – Corporate Social Responsibility) không phải là một khái niệm quá xa lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiểu và thực thi CSR như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất? Thành viên mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe.com cùng trao đổi với anh Lý Trường Chiến – Chủ tịch Trí Tri Group, một người dày dặn kinh nghiệm về CSR cũng như là đối tác tư vấn chiến lược CSR cho nhiều doanh nghiệp tại VN.

Chào anh! Anh nhận định như thế nào về các hoạt động CSR đang được triển khai ở VN?

Một vài chương trình thực sự tốt. Vài chương trình khác quá phô trương. Lại có một số chương trình thiếu chiến lược và lãng phí tiền bạc cũng như không kiểm soát, đánh giá được. Những chương trình đó không hiệu quả và không đem đến tác động tích cực cho xã hội.

Các DN làm ăn phát đạt, tạo ra công ăn việc làm ổn định cho công nhân viên, đóng góp vào sự phát triển của thị trường xét ra chính là đã có đóng góp to lớn cho xã hội rồi. Vậy nếu nói trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thì đó là trách nhiệm gì?

Corporate Social Responsibility CSR hay Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một khái niệm và là hoạt động của các công ty – tổ chức có định hướng phát triển vững bền qua sự cân bằng lợi nhuận, việc làm, sản phẩm đối với thị trường hay cộng đồng.

Một cách hình dung khác, có thể xem Ngôi nhà doanh nghiệp sẽ vững bền khi được dựng trên 4 trụ cột chính là CEOS với ý nghĩa: C là Khách hàng (Customer, Client, Consumer), E là Nhân viên, bao gồm cả Tổng Giám đốc làm công ăn lương (Employee), O là chủ đầu tư cho doanh nghiệp (Owner) và S là xã hội hay cộng đồng mà doanh nghiệp hoạt động (bao gồm cả phần sản xuất hay tiêu thụ – Society – Social).

Việc bạn nêu tức là ngôi nhà của bạn được dựng trên 3 trụ cột vì tạo ra sản phẩm bạn mới đáp ứng cho C, tạo công ăn việc làm và thu nhập tốt đáp ứng cho E, làm ăn phát đạt đáp ứng cho O nhưng ảnh hưởng xã hội và môi trường thì bạn chưa đáp ứng.

Thưa anh, nói là thực hiện trách nhiệm xã hội của DN nhưng một DN nhỏ lo duy trì kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động đã vất vả lắm rồi. Chắc chỉ có DN lớn, các tập đoàn đa quốc gia mới có khả năng làm những công tác này!

Có điều cần chú ý là mọi công ty lớn đều từng là những công ty nhỏ, cũng như mọi vĩ nhân đều từng là trẻ em. Chính cách suy nghĩ, hành xử sẽ cho xã hội thấy doanh nghiệp lớn hay nhỏ.

Và ít nhất doanh nghiệp mình còn nhỏ mình vẫn có thể làm những chương trình hoạt động CRS như vận động từ Ông bà chủ, Ban giám đốc đến nhân viên tham gia vệ sinh khu phố hàng tuần, vận động nhân viên không hút thuốc, không nói tục. Tổ chức mỗi quý (hay tháng) để toàn thể hay 1 nhóm (luân phiên) tham gia các hoạt động xã hội khắc phục các hệ quả xã hội hay môi trường từ hoạt động doanh nghiệp tạo ra hay thăm nom người già, người khuyết tật, trẻ em hiếu học,… đều là những việc có thể làm thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà không cần chờ đến khi mình phải trở thành công ty lớn, công ty đa quốc gia.

Vậy xác định ngân sách cho hoạt động CSR như thế nào? Nên coi đây là chi phí hay đầu tư?

Đây là 1 câu hỏi khó! (Cười) Thực ra ngân sách cho hoạt động này trước tiên phụ thuộc vào viễn kiến, nhân cách của người quyết định về chi tiêu, đầu tư của doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn không phải là ngân sách được bao nhiêu mà là có thể kêu gọi sự tham gia thật tình, đóng góp tích cực kiên trì của bao nhiêu người trong ban giám đốc, trong và ngoài công ty tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa và giá trị tích cực cho xã hội, nhằm tạo ra một xã hội phát triển hài hòa hơn, cân bằng hơn,…

Lý Trường Chiến – Chủ tịch Trí Tri Group

Đo lường hiệu quả của hoạt động CSR bằng cách nào?

Để đo hiệu quả phải xác lập được mục tiêu có đủ Tam Định (Định Tính, Định Lượng, Định Thời theo LTC) có chiến lược và kế hoạch hành động theo thời gian phù hợp. Đo bằng các phương pháp khảo sát, nghiên cứu, sống cùng để cảm nhận của đối tượng mục tiêu, đối tượng thụ hưởng và đối tượng tiếp nhận thông điệp, trước, trong và sau khi thực hiện các hoạt động này. Có rất nhiều chỉ số chuyên môn để đo, với trường hợp cụ thể chúng tôi sẽ có những tư vấn, hướng dẫn thích hợp.

Theo anh đâu là những ngộ nhận, sai lầm thường thấy khi áp dụng CSR?

Sai lầm thứ nhất là lẫn lộn giữa CSR và quảng cáo, khuyến mại… Sai lầm thứ hai là nhân danh việc này để đánh bóng thương hiệu và giải quyết hàng tồn, hàng kém phẩm. Sai lầm thứ ba là truyền thông sai thông điệp và không đúng đối tượng.

Sai lầm thứ tư là làm để đánh bóng chứ thiếu cái Tâm và thiếu Viễn kiến, thiếu Chiến lược. Sai lầm thứ năm là liên tục thay đổi và thiếu kiên định cho mục tiêu chiến lược. Sai lầm thứ sáu là việc mình cần làm lại đi thuê, việc mình cần thuê lại giành làm… Và còn nhiều sai lầm nữa.

Làm sao để phân biệt những hoạt động CSR “giả hiệu” với những nỗ lực thực sự nhằm đem đến những tác động tích cực đối với tất cả thành viên trong doanh nghiệp và cộng đồng xung quanh, thưa anh?

Điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực nhân cách của nhà quản trị và đội ngũ cùng chiến lược của doanh nghiệp. Ở đây sẽ có 3 trường hợp:

- Ruột không tốt nhưng đánh bóng

- Có làm tốt có nói tốt và được ghi nhận

- Có làm tốt, có nói tốt nhưng cách thể hiện thiếu chiều sâu, chưa phù hợp văn hóa nên bị hiểu lầm.

Và trường hợp đặc biệt là gặp người khó tính, hoài nghi tất cả nên luôn nhìn thấy màu xám trong mọi hoạt động của xã hội.

Việc này sẽ bàn được kỹ và tốt hơn trong những điều kiện và thông tin cụ thể.

Vâng, xin cám ơn anh rất nhiều vì đã dành thời gian trò chuyện cùng thành viên Anphabe.com! 

(Lý Trường Chiến)