0915.489.819

Những ngã rẽ cuộc đời

Như một quy luật tự nhiên, cứ 10 năm, cuộc đời Lý Trường Chiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trí Tri Corporation, lại có một ngã rẽ với những công việc có vẻ chẳng liên quan đến nhau.

Hình ảnh người nông dân lầm lũi tát nước trong cái rét cắt da, cắt thịt của Hà Nội vào những ngày cuối năm cách đây hơn 20 năm chính là lý do Lý Trường Chiến quyết định thi vào khoa Cơ khí chế tạo máy, Đại học Bách khoa TP.HCM. Anh đã gắn bó 10 năm với nghiệp “nông dân” với gần 20 giải thưởng sáng tạo kỹ thuật của thành phố và quốc gia. Thế rồi đột nhiên, người ta thấy anh từ bỏ tất cả để chuyển qua một lĩnh vực hoàn toàn mới mà anh “chưa từng được học, chưa từng gặp, thậm chí chưa bao giờ nghĩ tới”. Đó là vị trí Phó Giám đốc Tiếp thị ngành hàng chăm sóc răng miệng Tập đoàn Unilever Việt Nam.

Nhưng cũng chỉ làm được 10 năm, rồi anh lại phải chia tay với vị trí Giám đốc Tiếp thị chuyên nghiệp Tập đoàn Unilever Việt Nam. Và bây giờ, chỉ thấy anh tất bật với “nghiệp” giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tư vấn cấu trúc, thiết kế chiến lược kinh doanh. Bởi một lý do đơn giản (như anh thổ lộ): anh muốn chia sẻ những kiến thức, vốn sống của mình để những bạn trẻ độ tuổi 20, 30 cũng có thể có được kinh nghiệm như đang ở tuổi 40.

Description: Đã có hai “cái” 10 năm trong cuộc đời của anh. Liệu có “cái” thứ ba nữa hay không?

Anh Lý Trường Chiến: Chắc chắn có. Tôi là người khá rõ ràng ngay cả với bản thân mình. Bây giờ tôi tư vấn và đào tạo cho các bạn ở độ tuổi 30 - 40. Nhưng 10 năm nữa, tôi sẽ chuyển qua đối tượng là những em nhỏ khoảng 10 - 20 tuổi ở vùng sâu, vùng cao và các bạn sinh viên. Và tôi cũng muốn dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc sức khỏe khi tuổi tác không còn cho phép mình làm việc nhiều nữa. Mười năm không dài nhưng cũng không quá ngắn cho một quyết định, một công việc. Đó cũng là lý do mà cứ 10 năm tôi lại thay đổi công việc một lần.

Description: Không bằng cấp chuyên môn nhưng lại được tuyển dụng vào vị trí Phó Giám đốc Tiếp thị. Không học cao nhưng lại đi tư vấn, giảng dạy cho các giám đốc, lãnh đạo trong các công ty. Anh có thấy mình may mắn và liều lĩnh?

Anh Lý Trường Chiến: Học thực dụng, làm lãng mạn là quan niệm sống của tôi. Học thực dụng là học một phải làm hơn một, còn làm lãng mạn là làm những điều người khác không làm vì cho là không bình thường. Cho đến bây giờ tôi vẫn tự tin rằng, mình là người ít bằng cấp nhưng nhiều vốn sống. Vì vậy, tôi thấy, mình không may mắn cũng chẳng liều lĩnh.

Unilever là một tập đoàn lớn, vì vậy, khi tuyển dụng tôi, nếu họ quan tâm tới bằng cấp thì tôi đã bị loại ngay từ vòng đầu. Nhưng cái họ nhìn thấy ở tôi là lòng nhiệt huyết cùng những ý tưởng không giống ai. Khi làm tiếp thị nếu bạn chỉ đi theo những khuôn mẫu đã có sẵn chắc chắn sẽ khó thành công. Lạ, độc đôi khi hơi “điên rồ” lại giúp bạn thành công.

Còn khi làm tư vấn và giáo dục, bằng cấp cũng quan trọng nhưng kiến thức, kinh nghiệm sống mà chính bạn từng trải qua mới là những bài học quý nhất cho người khác. Tôi không lấy được nhiều bằng nhưng tôi tự học rất nhiều. Đọc sách cũng chính là cách để nâng cao kiến thức. Trong kinh doanh, những bài học từ thương trường mới là những bài học đắt giá nhất. Các giám đốc, lãnh đạo đâu có dư thời gian và tiền bạc cho một kẻ liều lĩnh.

Description: Việc tạp chí Trí Tri ngừng phát hành có bị coi là một trong những thất bại của anh?

Anh Lý Trường Chiến: Thất bại là khi bạn không thực hiện được mục đích của mình. Hiện tại, tôi tập trung vào giáo dục và tư vấn nên tạp chí Trí Tri phải tạm ngưng một thời gian. Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm Trí Tri. Tất nhiên, mỗi người có quan niệm về thất bại khác nhau. Người ta chỉ có thể thành công thực sự khi đã từng thất bại. Và nếu như vậy, thất bại sẽ không còn được hiểu theo nghĩa tiêu cực nữa.

Và nếu nói Trí Tri ngừng phát hành là thất bại, người khác rất có thể sẽ cho rằng, tôi thất bại trong kỹ thuật mới chuyển qua thương mại, để rồi tiếp tục thất bại khi chuyển qua giáo dục hay sao?!

Description: Được biết, ngoài việc tư vấn cho một số công ty anh còn tham gia vào hội đồng quản trị của các công ty này. Vậy điều đó có ảnh hưởng gì khi anh đi tư vấn cho các công ty khác không?

Anh Lý Trường Chiến: Nguyên tắc làm việc của tôi là không tư vấn cho các đối thủ cạnh tranh. Nhưng nếu bất đắc dĩ phải tư vấn, tôi sẽ yêu cầu mọi người phải tôn trọng “luật cá nhân” của mình là chia sẻ kiến thức chứ không chia sẻ thông tin. Đó cũng là một phần tạo ra tính chuyên nghiệp trong công việc và cũng là điều khiến nhiều người tin tưởng tôi.

Description: Theo anh, khác biệt lớn nhất khi tư vấn cho công ty nước ngoài và công ty Việt Nam là gì?

Anh Lý Trường Chiến: Người nước ngoài khi không biết sẽ hỏi cho tường tận mới thôi. Còn người Việt Nam đôi khi tưởng như mình biết rồi nhưng thực chất khi làm mới thấy chưa hiểu rõ vấn đề. Chính vì vậy, tôi thường làm việc với người nước ngoài theo giờ, còn người Việt Nam theo dự án, theo quá trình vạch ra và thực hiện chiến lược.

Description: Vậy, cái mà anh thường chia sẻ với các lãnh đạo công ty ngoài những chiến lược là gì?

Anh Lý Trường Chiến: Đó là cách quản lý quỹ thời gian. Mỗi người chỉ có 24h mỗi ngày. Nếu không biết sử dụng đúng mục đích thì thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu. Điều này đúng với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng với cấp lãnh đạo. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là phải lên kế hoạch một cách cứng nhắc. Vì lập trình cuộc sống cũng phải biết cách.

VÀI NÉT VỀ ANH LÝ TRƯỜNG CHIẾN

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trí Tri Corporation,

Thành viên Ủy ban tư vấn quốc tế về quản trị

Hiện tham gia giảng dạy tại Trường Doanh nhân Pace (TP.HCM) và Viện đào tạo châu Á của Thái Lan (Hà Nội).

Một số giải thưởng ông đạt được:

  • 16 Giải thưởng Sáng tạo Khoa học kỹ thuật TP.HCM và quốc gia
  • 1 Giải thưởng Khoa học Thanh niên
  • 1 Huy chương Sáng tạo
  • 1 Cúp vàng sản phẩm được quan tâm của Tech Mart HCMC lần 1

Một số sản phẩm ông đã tư vấn cho khách hàng:

  • Chiến lược marketing và tổ chức thực hiện hệ thống phân phối DSS tại Việt Nam cho ngành hàng FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) như Unilever, Giấy Sài Gòn… và trong ngành dịch vụ với New Zealand Health Foods, Best Carings.
  • Mô hình PM (Tiếp thị chuyên nghiệp) cho Unilever và mô hình hoạt động cộng đồng với WHO cho các nước đang phát triển: P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam, Omo áo trắng ngời sáng tương lai…