0915.489.819

Cách thức Marketing và bán hàng thành công

Năm của xu hướng mua bán, sáp nhập

Cuộc đua năm 2011 giữa các nhà mạng được dự đoán sẽ đi vào chiều sâu, theo đó, nhà mạng nào có hạ tầng tốt, dịch vụ phong phú, chăm sóc khách hàng tốt sẽ chiếm lợi thế tuyệt đối. Xu hướng sáp nhập, mua bán giữa các DN, giữa các nhà mạng trên cơ sở thị trường viễn thông là tất yếu phải diễn ra.

Hình ảnh những chú gà Beeline đang vắng bóng trên thị trường

CôngThương -  Trong danh sách các “tiểu gia” viễn thông di động có mặt từ sớm tại Việt Nam là S-Telecom với thương hiệu dịch vụ S-Fone. Ngay từ khi mới ra đời S-Fone đã khiến khách hàng ngả nghiêng với chính sách cước cho cặp đôi thuê bao. Nhờ chính sách này mà S-Fone đã khơi dòng chảy cho thói quen dùng hai số di động của những người dùng di động.

Dù đã sở hữu thuê bao di động, dù S-Fone có độ phủ sóng không rộng nhưng thời điểm ban đầu, vẫn có rất nhiều khách hàng đến với S-Fone. Tuy nhiên, sức cạnh tranh quyết liệt đã đẩy nhà mạng này vào thế khó.

Năm 2010, S-Fone chỉ phát triển mới được 520.000 thuê bao di động, trong đó có 8.200 thuê bao trả sau và 10.099 thuê bao điện thoại cố định. Tổng kết, trong năm 2010, doanh thu của SPT chỉ vỏn vẹn 1.165 tỷ đồng.

Năm 2010 đã chứng kiến sự hụt hơi của một số nhà cung cấp dịch vụ, trong đó Cityphone đã chính thức rời thị trường, S-Fone cũng đang ngoi ngóp và EVN phải bán cổ phần cho một công ty khác với hy vọng tiếp tục cuộc đua.

Để cạnh tranh và tồn tại, các nhà mạng lớn nhỏ đều khai thác triệt để các dịch vụ có thể kiếm ra tiền, kể cả dịch vụ cho đối tượng thu nhập thấp như dành cho sinh viên, nông dân, học sinh...

Sự ngoắc ngoải của mô hình DN viễn thông kết hợp với đối tác ngoài cũng là tình hình của Hanoi Telecom và Hutchison. Hai đơn vị này vẫn chưa thể đưa Vietnamobile qua giai đoạn khó khăn sau khi chuyển từ công nghệ CDMA qua GSM.

Mặc dù liên tục đưa ra các gói cước khuyến mại cực sốc, gần đây nhất là chương trình Nói rẻ bất ngờ, Nói ra vàng... và cố gắng phủ màu cam của mình lên khắp đường phố, phương tiện thông tin đại chúng... nhưng người dùng vẫn chưa mặn mà lắm với nhà mạng này.

Thê thảm hơn, những chú gà Beeline gần như mất hút trên thị trường sau một thời gian. Không quảng bá, không áp dụng chính sách mới... khách hàng của Beeline đang thấp thỏm chờ đợi động thái mới của nhà mạng này.

Trong bối cảnh các nhà cung cấp mạng di động quy mô nhỏ ở Việt Nam tăng trưởng đìu hiu, lay lắt tồn tại, cuối năm 2010, dư luận cũng khá bất ngờ với thông tin FPT sẽ nhảy vào thị trường dịch vụ viễn thông di động trong thời gian tới. Thủ tướng đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép EVN Telecom chọn Tập đoàn FPT và Công ty Viễn thông FPT làm nhà đầu tư chiến lược khi tiến hành cổ phần hóa.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, sau khi trở thành nhà đầu tư chiến lược tại EVN Telecom, Tập đoàn FPT và Công ty Viễn thông FPT phải nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ của tổ chức này trong suốt quá trình hoạt động.

Thông tin từ FPT cho hay, Tập đoàn này đang trong quá trình thương thảo để tìm ra phương hướng hoạt động tốt nhất cho sự hợp tác này.

Bà Chu Thanh Hà, Tổng giám đốc FPT Telecom cho biết, DN này muốn được thử nghiệm mạng di động băng rộng với hai công nghệ 4G là LTE và WiMAX. Thời gian cấp phép thử nghiệm sẽ tiến hành trong vòng khoảng 1 năm.

FPT Telecom gần như đã đi từ con số 0, vươn lên sánh ngang ngửa với các đại gia viễn thông kinh doanh internet băng rộng cho dù họ kém lợi thế hơn rất nhiều. Động thái đầu tư vào EVN Telecom cho thấy, FPT Telecom muốn tiến sâu hơn nữa với dịch vụ vốn được xem là đem lại nhiều lợi nhuận trong lĩnh vực viễn thông là thông tin di động.

Băng tần 3G và hạ tầng của EVN Telecom sẽ giúp DN tiềm lực như FPT Telecom trở thành một đối thủ lớn khác trên thị trường di động. Dù vụ mua bán này chưa thành hiện thực nhưng cũng cho thấy, thị trường viễn thông mặc dù đã hẹp nhưng vẫn có nhiều đối thủ nhăm nhe nhảy vào, tất nhiên đó thực sự phải là những đối thủ có tiềm lực lớn. 

Thương hiệu di động

Câu chuyện theo nghiên cứu của Tạp chí Campaign và Công ty Nielsen công bố tháng 12/2010, trong nhóm 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam có đến 2 thương hiệu DN viễn thông: MobiFone xếp hạng thứ tư và Viettel xếp hạng thứ bảy. Từ một vị trí đơn lẻ trong nhóm 10 năm 2009 (khi đó Viettel đứng thứ 4), ngành thông tin di động đã bứt phá đi lên với hai thương hiệu tên tuổi, ngang với những ngành như bán lẻ (Big C, Co.op Mart), hay điện tử - tin học (Nokia, Sony).

Việc hai DN MobiFone và Viettel lọt vào nhóm 10 không có gì đáng ngạc nhiên, và càng không có gì phải ngạc nhiên khi các thương hiệu di động tăng tốc lên ngoạn mục và ngự trị đến 2 DN trong bảng vàng nhóm 10.

Theo chuyên gia marketing Lý Trường Chiến, thương hiệu muốn mạnh thì trước hết DN phải có chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt. MobiFone lâu nay được biết đến là mạng di động có chất lượng ổn định nhất, tỷ lệ rớt cuộc gọi thấp nhất.

Còn Viettel là một DN có chính sách kinh doanh táo bạo, có độ nhận diện thương hiệu cao. Trường hợp MobiFone, chân ướt chân ráo bước vào bảng vàng nhưng đã soán ngay ngôi vị số 4 mà Viettel đã ngự trị một năm trước đó là một kết quả xứng đáng trong một quá trình dài phấn đấu xây dựng thương hiệu của nhà mạng này.

Với tổng doanh số thị trường viễn thông Việt Nam năm 2010 đạt hơn 226.000 tỷ đồng, chuyên gia Lý Trường Chiến cho rằng, các thương hiệu di động nói riêng và viễn thông, CNTT nói chung lọt vào nhóm 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam là tất yếu. “Thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc đã phục vụ đắc lực và hợp lý cho nhu cầu xã hội, trong đó có những nhu cầu bức thiết và cần thiết. Chính vì thế các thương hiệu công nghệ số, trong đó có thương hiệu điện thoại di động và mạng di động, tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống xã hội”, ông Chiến nhận định. Như vậy, năm 2010 là năm ngành thông tin di động bội thu về thành quả lẫn thương hiệu.

Theo DNSG