0915.489.819

Chính phủ: Một loạt bộ ngành phải quản lý Uber

Chính phủ: Một loạt bộ ngành phải quản lý Uber
Lê Anh

Thời gian qua một số xe chở khách thông qua phần mềm Uber chưa đáp ứng đủ đầy đủ các điều kiện theo quy định nên đã bị thanh tra giao thông TPHCM xử phạt - Ảnh: Anh Quân
(TBKTSG Online) - Chính phủ đã đồng ý với báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là tạo điều kiện cho Uber hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và cạnh tranh lành mạnh... Tuy vậy Uber phải chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành.

Theo văn bản số 2248 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Chính phủ về hoạt động kinh doanh của Uber tại Việt Nam, Chính phủ đồng ý với báo cáo của Bộ GTVT, xem xét xử lý theo thẩm quyền đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Uber hoạt động tại Việt Nam theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND TPHCM cấp ngày 30-8-2014. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều xe chở khách thông qua phần mềm Uber đã hoạt động mà chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo đúng các quy định.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Uber chỉ ký hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa hoạt động kinh doanh vận tải thông qua phần mềm Uber phải tuân theo quy định tại Nghị định 86 và Thông tư 63 về hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó quy định đơn vị cung cấp dịch vụ phải có giấy phép đăng ký kinh doanh vận tải, gắn phù hiệu, logo….

Bộ này sẽ chỉ đạo Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra định kỳ và đột xuất về hoạt động của Uber, trường hợp phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề nghị các Bộ Tài chính quản lý về nghĩa vụ thuế, tài chính; Bộ Công Thương quản lý về thương mại điện tử; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý về thanh toán quốc tế và UBND TPHCM quản lý về cấp giấy chứng nhận đầu tư nhằm tạo điều kiện cho Uber hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và cạnh tranh lành mạnh...

Trước đó, hồi tháng 3, các sở ban, ngành của TPHCM đã làm việc với đại diện Công ty Uber để làm rõ những vấn đề liên quan đến hoạt động vận tải hành khách thông qua phần mềm Uber.

Qua buổi làm việc thì được biết Uber Việt Nam chỉ đăng ký kinh doanh hai ngành nghề là dịch vụ tư vấn quản lý và dịch vụ tư vấn nghiên cứu thị trường. Còn việc ký kết để hoạt động kinh doanh chở khách với các đơn vị vận tải của Việt Nam lại do phía Uber của Hà Lan thực hiện.

Trong khi đó, đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết, từ khi thành lập đến tháng 3-2015, Uber chưa hề thực hiện việc nộp thuế với nhà nước. Nhiều lần Cục Thuế liên hệ với phía Công ty Uber Việt Nam qua địa chỉ đăng ký trong giấy phép kinh doanh nhưng không liên hệ được.

Còn doanh thu từ dịch vụ nghiên cứu thị trường tại Việt Nam, Uber cũng không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.