0915.489.819

"Cứu ngân hàng hay cứu doanh nghiệp?"

Bài phỏng vấn chuyên gia Lý Trường Chiến; số đăng trên chuyên mục MEN TALK FINANCE_Tạp chí Men&Life

1.  Xin ông cho biết nhận định chung về tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay?

Tình hình tăng trưởng kinh tế Việt nam đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, nguyên nhân là do dồn tích hậu quả của công tác quản trị và điều hành yếu của nhiều loại hình tổ chức, doanh nghiệp và kích cỡ, quy mô (đây là nguyên nhân sâu xa, nội tại và chính yếu) trong khi tình hình chính trị, xã hội và kinh tế khu vực và quốc tế cũng ở trong giai đoạn nhiều khó khăn với những biến động bất thường. Đã 2 tháng liên tiếp CPI âm cùng với tình hình doanh nghiệp phá sản, công trình nằm im, nợ xấu ngày càng nhiếu, nông dân bỏ công việc truyền thống,… là những tín hiệu tiêu cực cần hết sức chú ý.

2. Quan điểm của ông về chủ trương hạ lãi suất của Ngân hàng nhà nước? Điều này có thực sự cứu được doanh nghiệp và nền kinh tế?

Việc hạ lãi suất tiền gửi có tính chế tài rồi mới đến hạ lãi suất tiền vay chỉ có tính khuyến nghị làm cho việc tác động và bình ổn dòng tiền khó khăn hơn. Nguyên nhân là do chính sách chỉ làm một phần mà thiếu toàn diện, liên hoàn, khiến cho việc thực hiện các chính sách tài chính mất cân đối, mất nhịp nhàng, hiệu quả chính sách tốt cũng sẽ kém trên thực tế và tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích. Bản thân việc giảm lãi suất là việc làm cần thiết, nhưng mới chỉ cần mà chưa đủ, vấn đề là dòng tiền và niềm tin để tiêu dùng, đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

3. Vậy giảm lãi suất như hiện nay chỉ mang lại tín hiệu tích cực cho những đối tượng doanh nghiệp nào?

Theo cách làm cũ sẽ chỉ có lợi cho các doanh nghiệp có “quan hệ tích cực đi đêm” với cá nhân người quyết định hay nhóm lợi ích trong và ngoài hệ thống ngân hàng,… mà điều này do không kiểm soát tốt đã và sẽ dẫn đến nợ xấu và không thực sự tác động tích cực cho việc cứu doanh nghiệp cần cứu và nên cứu!

4. Một chủ doanh nghiệp cho biết “Doanh thu tăng tốt, thì dù vay lãi cao, thuê mặt bằng giá cao… doanh nghiệp vẫn làm, còn hàng không có người mua thì dù lãi suất còn 10 – 12%/năm vẫn lỗ”. Vậy thì động thái giảm lãi suất phải làm sao để có thể kích cầu?

Thứ nhất, theo tôi, vấn đề hiện nay là niềm tin, sức mua, dòng tiền, khi ba điều này ở trạng thái tích cực thì sản xuất kinh doanh liên tục hoạt động, do vậy lãi suất có cao cũng còn có nguồn để trả. Nay hàng tồn kho cao, niềm tin suy giảm nghiêm trọng, sức mua kém, dòng tiền chậm, thậm chí gần như không có, nợ khó đòi, nợ xấu tăng cao, đặc biệt với hàng tiêu dùng chậm và hàng công nghiệp giá trị cao nên dẫu giảm lãi suất thì các doanh nghiệp vẫn không có tiền để trả hay vẫn tiếp tục lỗ.

Thứ 2, vận hành hệ thống cần chú ý hiệu ứng đôminô, do vậy sự chuyển động quá nhanh, quá rối sẽ mất kiểm soát là điều đáng quan ngại hay thụ động đến mức không còn chuyển động được còn nguy hiểm hơn.

Thứ 3, theo tôi, song song giảm lãi suất cần quản trị tốt các nghiệm vụ, quy trình, thẩm xét,… của hệ thống cho vay để giảm thiểu nợ xấu trong tương lai. Chúng ta cần tạo ra dòng tiền tích cực, cần kiểm soát dòng tiền cũng như sự nhất quán trong các chính sách điều hành một cách có chiến lược và tường minh để gây dựng niềm tin của toàn xã hội, của người tiêu dùng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư,… Ngoài ra, cùng việc tạo ra hiệu ứng truyền thông tích cực và quản trị xuyên suốt để đồng tiền được đầu tư qua cửa của doanh nghiệp nhưng phải đến Người lao động – Người tiêu dùng – Khách hàng – trong chuỗi cung ứng giải quyết sự mất cân đối cung cầu tức thời, để thực sự tạo ra chuỗi giá trị cần thiết một cách chủ động và tích cực.

5. Chủ trương giảm lãi suất phải đi kèm động thái đồng bộ, chính sách đồng bộ nào để đạt được hiệu quả thực sự?

Chúng ta nên xem xét trên từng ngành, nhóm và từng doanh nghiệp, từ đó sẽ chọn lọc, phân loại, và quyết định mức độ đầu tư, cho vay, hỗ trợ đào tạo huấn luyện, chiến lược tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình kinh doanh, chọn lựa đầu tư phù hợp,…

Với nhóm có nợ, nhưng làm ăn chân chính, thực sự nghiêm túc chỉ gặp khó khăn nhất thời thì nên giãn nợ. Với nhóm khó khăn dài hơn nhưng còn có khả năng hồi phục hoạt động kinh doanh duy trì việc làm thì nên khoanh nợ. Với nhóm không thể hồi phục thậm chí tham gia vào quá trình tạo nên nợ xấu của chính mình và ngân hàng,… cần mạnh dạn cắt bỏ theo luật phá sản. Từ chính sách chủ trương đến tổ chức hành động cần làm việc và thực hiện kiên quyết, mạnh mẽ, kiên trì nhất để cứu doanh nghiệp, cứu nền kinh tế không để đi vào giai đoạn khủng hoảng sâu và đình đốn sản xuất kéo dài.

Đây chính là con đường cứu doanh nghiệp hiệu quả nhất và cũng kiểm soát được hệ quả từ đó tạo sức sống cho các doanh nghiệp chân chính tiếp tục phát triển nhanh và mạnh trong thời gian tới.

MEN TALK FINANCE_Tạp chí Men&Life
Thực hiện: Loan Lê


VÀI NÉT VỀ ÔNG LÝ TRƯỜNG CHIẾN

Ông Lý Trường Chiến là CTHĐQT Trí Tri Corporation, Thành viên Ủy ban tư vấn quốc tế về quản trị và hiện đang tham gia giảng dạy tại Trường Doanh nhân Pace (TP.HCM) và Viện đào tạo châu Á của Thái Lan (Hà Nội).

Ông đã nhận được 16 Giải thưởng Sáng tạo Khoa học kỹ thuật TP.HCM và quốc gia, 1 giải thưởng Khoa học Thanh niên, 1 Huy chương Sáng tạo, Cúp vàng sản phẩm được quan tâm của Tech Mart HCMC lần. Một số sản phẩm ông đã tư vấn cho khách hàng: Mô hình PM (Tiếp thị chuyên nghiệp) cho Unilever và mô hình hoạt động cộng đồng với WHO cho các nước đang phát triển: P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam, Omo áo trắng ngời sáng tương lai…