Kỹ sư Lý Trường Chiến: Từ khởi nghiệp đến bảo trợ khởi nghiệp
0915.489.819

Kỹ sư Lý Trường Chiến: Từ khởi nghiệp đến bảo trợ khởi nghiệp

Gặp kỹ sư Lý Trường Chiến, ấn tượng đầu tiên là một người có lối nói chuyện hài hước và thông minh, nhưng vẫn gần gũi và chân thành, giống như vẻ bề ngoài rất "ông già Noel" của ông.

Ngã rẽ công việc từ quan niệm “thay đổi tạo ra vấn đề”

Học Đại học Bách khoa TPHCM từ năm 1984 đến năm 1989, khi còn là sinh viên, ông đã tham gia nghiên cứu và thiết kế nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm. Từ năm 1986, ông bắt đầu có sản phẩm kỹ thuật do mình chế tạo được thương mại hóa. Từ năm 26 tuổi, ông bắt tay khởi nghiệp lần thứ nhất với doanh nghiệp mang tên “LTC”, chuyên thiết kế chế tạo lắp đặt máy thiết bị và chuyển giao công nghệ.

Kỹ sư Lý Trường Chiến: Từ khởi nghiệp đến bảo trợ khởi nghiệp - 1

Máy tự động ép thịt do Kỹ sư Lý Trường Chiến được Công ty Animex Sài Gòn nghiệm thu. Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 3/12/1993.

Lý giải về việc đặt tên doanh nghiệp đầu tiên này, Lý Trường Chiến hóm hỉnh nói: "LTC có nghĩa: Lời Thì Chia và Lỗ Tôi Chịu".

Với LTC, ông liên tiếp nhận được 16 giải thưởng của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TPHCM và Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc cho các giải pháp kỹ thuật sáng tạo phục vụ sản xuất.

Giải thưởng đầu tiên ông giành được là giải B Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TPHCM năm 1991, với máy tự động làm sạch và thanh trùng nhân hạt điều xuất khẩu. Ở giai đoạn này, Việt Nam chỉ xuất khẩu thô hạt điều. Máy tự động làm sạch và thanh trùng nhân hạt điều xuất khẩu giúp nâng cao năng suất và gia tăng giá trị thương phẩm của hạt điều lên rất nhiều lần.

Ngoài ra, những giải pháp kỹ thuật như máy nha khoa khoan cao tốc bằng khí nén, máy sấy tiệt trùng & buồng vô trùng y tế, máy dồn thịt tự động... của ông cũng đạt nhiều giải thưởng cao tại các hội thi Sáng tạo Kỹ thuật.

Với ông, giải pháp nào cũng có vấn đề, chỉ khi quan tâm sâu sắc cùng với tư duy tích cực thì sẽ sáng tạo ra các giải pháp thông minh giải quyết chuỗi vấn đề. Chính vì lẽ đó, sau 10 năm gắn bó với ngành kỹ thuật, đến năm 1996, ông quyết định chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới đó là tiếp thị và bán hàng. Và dù đang thành công tại Unilever Việt Nam với các vị trí như Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị chuyên nghiệp; Phó chủ tịch mãi vụ Chăm sóc cá nhân, ông đã bắt tay khởi nghiệp lần 2 với Trí Tri Group vào năm 2006.

Khởi nghiệp để bảo trợ... khởi nghiệp

Điều bất ngờ là Trí Tri Group do ông thành lập lại hoạt động ở một lĩnh vực hoàn toàn mới. Đó là làm tư vấn, huấn luyện, khai phát tứ năng con người và tổ chức, thông qua việc đánh thức triết lý “Tam Nghiệm” và “Tứ Năng”. Theo triết lý này, Tiềm năng có thể trở thành Khả năng và khi rèn luyện Khả năng sẽ thành Kỹ năng, tích hợp Kỹ năng cùng khát vọng sẽ trở thành Tài năng.

Kỹ sư Lý Trường Chiến: Từ khởi nghiệp đến bảo trợ khởi nghiệp - 2

Ông Lý Trường Chiến trong một buổi thuyết trình về chiến lược doanh nghiệp với Nhóm Quản trị và khởi nghiệp.

Với vai trò Chủ tịch của Trí Tri Group, Lý Trường Chiến đã hỗ trợ thiết kế chiến lược và triển khai kế hoạch phát triển kinh doanh cho các đối tác nước ngoài và Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp được tư vấn đã có mức tăng trưởng từ 80% đến 300% hàng năm. Mức tăng trưởng cao gấp đôi hoặc gấp ba so với trước đó. 

Với triết lý “Tam Nghiệm” và “Tứ Năng” do ông thiết kế và đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, Lý Trường Chiến đã cố vấn cho hàng chục doanh nghiệp khởi nghiệp; các doanh nhân thành công như Tạ Minh Tuấn, một trong 30 người được Forbes chọn vào danh sách những người trẻ tuổi có thành công và sức ảnh hưởng nổi bật nhất khu vực Châu Á; Đặng Thương Tín - CEO Always; Đỗ Nguyễn Thanh Đồng, Giám đốc điều hành ACIS; Lê Việt Hồng, CEO Cloudjet Solutions...

Khi nói về Lý Trường Chiến, Tạ Minh Tuấn, 1 trong 7 người Việt lọt vào danh sách 30 Under 30 Asia 2016 của Forbes, đã gọi ông là “sư phụ”.

Tạ Minh Tuấn cho biết, thầy Lý Trường Chiến là cố vấn đỡ đầu khi Tuấn khởi nghiệp vào những năm 2008-2009, là cố vấn toàn diện về khởi sự doanh nghiệp, tập trung nhiều hơn vào chiến lược và marketing. Những hướng dẫn và mô hình mà thầy hướng dẫn đều được Tuấn áp dụng thành công vào doanh nghiệp của mình, từ việc tìm được lối đi cho dự án, chứng minh được tính khả thi, thuyết phục thành công nhà đầu tư, xây dựng một công ty vốn hoá có giá trị.

“Những hướng dẫn này súc tích, bổ ích và có tính áp dụng cao cho nhiều mô hình khởi nghiệp. Đến nỗi sau này các startup khác áp dụng những kiến thức của thầy mà Tuấn chia sẻ lại thì đều đạt kết quả tốt", Tuấn chia sẻ.

Cho rằng bất cứ điều gì cũng có ý nghĩa và giá trị của nó nên với Lý Trường Chiến, nguyên tắc thành công là nghe - nghĩ - tin - làm - hiểu - thấy.

Hiện, ông lại tiếp tục thiết kế các chương trình huấn luyện dành cho doanh nhân, các chủ doanh nghiệp nhằm thích ứng và chủ động trong kỷ nguyên 4.0. Ông cũng vừa nhận lời làm đối tác với một quỹ đầu tư khởi nghiệp của Mỹ khu vực ASEAN tập vào Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia.

Kỹ sư Lý Trường Chiến sinh năm 1965, tại Hà Nội. Ông học tiểu học tại Hà Nội, sau đó theo gia đình vào Nam, học 1 năm tại Vĩnh Long quê nội, rồi chuyển lên Sài Gòn. Từng ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người, tuy nhiên, sau một lần tình cờ về quê dịp Tết, nhìn thấy cặp vợ chồng nông dân vẫn áo tơi gầu sòng tát nước trong trời mưa rét, nên ông đã chọn theo ngành chế tạo máy với mong muốn cải thiện điều kiện cho người lao động....

Đó cũng chính là tiền đề thúc đẩy ông nghiên cứu, và giành hàng loạt giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ khi mới ở độ tuổi U30.  

 

 

Vân Ly

Nguồn: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ky-su-ly-truong-chien-tu-khoi-nghiep-den-bao-tro-khoi-nghiep-c7a634470.html