0915.489.819

Lời khuyên của chuyên gia kinh tế về tin đồn

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, để không bị tác động xấu từ tin đồn, ứng xử tốt nhất là phải kiểm tra lại thông tin đó bằng vốn sống, tư duy, sau đó kiểm chứng lại ở cơ quan chức năng.



Hình minh họa
 
Trong một thời gian ngắn, nhiều tin đồn đưa ra đã làm người dân hoang mang. Trong đó, tin đồn về đổi tiền và in tiền mệnh giá 1.000.000 đồng được dư luận quan tâm nhiều nhất.

Theo Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương, mặc dù theo các yếu tố phân tích tin đồn này hoàn toàn không có cơ sở, nhưng vẫn có nhiều lý do khiến tin đồn này xuất hiện. “Sau khi tung tin có nhiều tác động cụ thể, chắc chắn là thị trường biến động: USD lên, vàng lên, chênh lệch 6-7 triệu đồng mà sức cầu dân vẫn mua. Người ta mất niềm tin vào đồng tiền, lập tức rút tiền ngân hàng để mua vàng, mua USD. Kết quả là người dân thiệt, Nhà nước cũng thiệt, náo động thị trường… và người tung tin được lợi”.

Như vậy, nhóm tung tin đồn có nhiều động cơ và mục đích rõ rệt. Cũng theo chuyên gia kinh tế, có 4 dạng nhóm tung tin đồn là: nhóm cạnh tranh không lành mạnh để chiếm thế độc quyền, nhóm trục lợi, nhóm phá hoại và nhóm không có chủ đích. Tin đồn thường xuất hiện vào thời điểm nền kinh tế có sự bất ổn, tâm lý người dân bất an. Khi đó, các sự kiện đúng sai xen lẫn nhau. Ở Việt Nam, người dân lại thường có tâm lý đám đông, đặc biệt khi không có thông tin chính thống trấn an kịp thời, người dân khó tránh khỏi tâm lý dao động trước tin đồn, dẫn đến nhiều hệ lụy.  

Ông Lý Trường Chiến, chuyên gia kinh tế cho hay: “Thông thường khi người ta thiếu thông tin để hiểu vấn đề một cách sâu sắc, khi người ta lo lắng, hoang mang, mất niềm tin thì tâm lý con người dễ bị tác động bởi tin đồn nhiều nhất. Nhiều người lo lắng người ta sẽ làm những chuyện không cần thiết, sự suy giảm kinh tế kéo dài, khó khăn ngày càng nhiều, doanh nghiệp phá sản nhiều, thất nghiệp nhiều, rồi tin đồn trên mạng gia tăng…”.        

Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả ở những nước phát triển như ở Mỹ cũng xuất hiện tin đồn thất thiệt. Mới đây, tin đồn về nổ bom ở Nhà Trắng đã lập tức khiến thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi 200 tỷ USD, mặc dù chỉ sau 3 phút, giới chức trách đã trấn an được tin đồn. Loại tin đồn này được xếp vào nhóm phá hoại.

Ông Lý Trường Chiến khuyến cáo: “Vào những giai đoạn mà tình hình kinh tế xã hội có những thay đổi, biến chuyển rất nhanh và không ngờ thì rất dễ có chuyện tin đồn. Ứng xử tốt nhất đối với người nghe tin đồn là phải kiểm tra lại thông tin đó bằng vốn sống, tư duy của mình, kiểm chứng lại ở cơ quan chức năng”.                         

Rõ ràng, tin đồn nếu xuất hiện đúng vào những thời điểm nhạy cảm sẽ gây hưởng và thiệt hại tùy theo mức độ khác nhau đến tâm lý, lợi ích của người dân và cả nền kinh tế. Do vậy, việc cảnh giác với những thông tin phi chính thống là không bao giờ thừa. Bài học từ vụ tin đồn thất thiệt liên quan đến lãnh đạo ngân hàng ACB năm 2003 cho thấy: Việc bình tĩnh trước mọi thông tin liên quan, xem xét động thái của chủ thể là đối tượng của tin đồn và cơ quan chức năng, nhiều người đã không bị thiệt hại và tránh được việc tham gia vào sự xáo trộn không đáng có trên thị trường.         

Hoa Trang (VTV News)