0915.489.819

DN “rơi rụng”: Bình thường hay bất thường?

2 tháng đầu năm 2012, số lượng DN xin giải thể, ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động có xu hướng gia tăng. Liệu đây có phải là hiện tượng bình thường trong quá trình tái cơ cấu, sàng lọc DN yếu kém hay là một điều bất bình thường?

Lũ lượt xin “khai tử”

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, mỗi ngày trên địa bàn TP có từ 2 - 3 DN xin giải thể. Tuy nhiên, sở này thừa nhận con số thực tế còn cao hơn nhiều. Qua công tác quản lý thuế, Cục Thuế TP cho hay trong 2 tháng đầu năm 2012 có khoảng 2.000 DN khai báo giải thể, ngưng và tạm ngưng hoạt động (trong đó số DN giải thể khoảng hơn 300).

Tương tự, tại Hà Nội ghi nhận số DN xin giải thể tăng cao. Trong 2 tháng đầu năm, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội đã làm thủ tục giải thể cho 169 DN, tăng 4,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trước thực tế này, có 2 luồng ý kiến trái chiều. Theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến: “Đây có thể xem như là bình thường với các nhà nghiên cứu hay chuyên gia về tái cấu trúc và quản trị chiến lược như chúng tôi đã nhận thấy và cảnh báo trước đây.

Lý do: Với cách kinh doanh và quản trị chỉ dựa vào lợi thế là cơ hội mà không có năng lực cốt lõi, quản trị kém, thiếu kiến thức, không chiến lược, không xây dựng được hệ thống và đội ngũ tốt, làm việc chỉ muốn thuận tiện, dẫn đến tùy tiện thậm chí tự tiện.

Song song đó là việc phân bổ và sử dụng sai các nguồn vốn trong hoạt động và đầu tư ngắn, trung và dài hạn... nên năng suất kém, sức cạnh tranh kém. Vì thế khi nền kinh tế vĩ mô có vấn đề chắc chắn dẫn đến khó khăn, kém hiệu quả hay thậm chí phá sản DN là điều đương nhiên”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm, đây lại là một hiện tượng không bình thường. Bởi theo ông, nguyên nhân chính khiến DN xin “khai tử” không phải do bản thân DN mà do nhiều yếu tố khách quan tác động.

Điều này cũng phần nào lý giải việc có không ít chuyên gia phản đối quan niệm thời điểm hiện nay là thích hợp để tái cơ cấu DN, sàng lọc những DN yếu kém và sản sinh những DN khỏe mạnh. Bởi, trong điều kiện kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lãi suất còn cao thì cuộc chơi không thể công bằng. Đó là chưa nói đến việc hầu hết các ngân hàng hiện nay chỉ cho những DN có “lý lịch” tốt vay chứ chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu của DN nhỏ và vừa.

DN “rơi rụng”: Bình thường hay bất thường?, Thị trường - Tiêu dùng, doanh nghiep giai the, kinh te, sang loc, kinh te, tai co cau, nang suat, bao



Liệu kinh tế khó khăn có phải là điều kiện để sàng lọc DN yếu kém (ảnh minh họa)

Tránh dính chùm

Theo dự báo đến quý II/2012, tình hình DN giải thể, ngưng và tạm ngưng hoạt động mới được cải thiện. Tuy nhiên, trước mắt việc các DN giải thể, ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động không chỉ là vấn đề của riêng DN ấy mà còn tạo ra một vòng luẩn quẩn trong xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, không ít DN ra đi trong im lặng. Điều này dẫn đến rủi ro cho người lao động như nợ lương, tiền bảo hiểm không được đảm bảo, việc thu ngân sách của nhà nước gặp khó khăn, ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Chính vì thế, để tránh dính chùm không còn cách nào khác là phải tạo điều kiện cứu DN.

Cụ thể nhất là tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay với lãi suất chấp nhận được. Mới đây, việc NHNN hạ lãi suất huy động từ 14%/năm xuống 13%/năm cũng không khiến DN vui mừng. Vì điều này chưa có bất kỳ tác động nào đến việc hạ lãi suất cho vay.

Theo đại diện một DN được xếp vào loại có uy tín với ngân hàng, trong 2 tháng đầu năm 2012, DN này vẫn phải tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất 17%/năm. “Việc hạ lãi suất huy động lần này có giúp lãi suất cho vay giảm xuống 1-2% hay không vẫn còn là điều chúng tôi đang mong mỏi. Bởi nếu lãi suất cho vay không giảm thì ngân hàng vẫn là ngư ông đắc lợi” - người này nói.

Bên cạnh bài toán lãi suất, theo lời khuyên của các chuyên gia, bản thân các DN cũng nên tiếp tục tự điều chỉnh lại mình.

Ông Lý Trường Chiến chia sẻ: “Giải pháp tổng quát cho các DN là cần gia tăng thực chất về năng lực quản trị, không ngừng hoàn thiện tổ chức và hệ thống thông qua tái cấu trúc triệt để, học sâu và hành sắc, mạnh dạn cắt bỏ những phần không hiệu quả, nếu có điều kiện nên mua vào các cơ sở hạ tầng và hệ thống khách hàng... của các DN phá sản.

Với một vài DN khó chuyển đổi, cần giảm cường độ hoạt động, cân đo và kiểm soát thật kỹ thu chi, có “chi” cũng đừng có “phí”, dùng chiến thuật “gấu ngủ đông” với mức tiêu hao năng lượng tối thiểu để vượt qua khó khăn, sẵn sàng cho những ngày nắng ấm sẽ đến”.

Nguồn www.tinmoi.vn