0915.489.819

QUẢN TRỊ KHỞI NGHIỆP THỜI 4.0: XÂY DỰNG “NGÔI NHÀ DOANH NGHIỆP” VÀ ĐẦU TƯ VÀO QUAN HỆ GIỮA CON NGƯỜI VỚI CON NGƯỜI (Tiếp theo)

Tại buổi Online Workshop “Tư duy Khởi nghiệp dành cho giới trẻ thời đại mới” do Cộng đồng Khởi nghiệp Huế và VNES – Mạng lưới Tình nguyện viên Hỗ trợ Khởi nghiệp tổ chức, ông Lý Trường Chiến đã cùng Ông Trần Sĩ Chương “chí tình” chia sẻ cho các khách mời những giá trị cốt lõi của “Quản trị và Khởi nghiệp” trong vận hành hoạt động doanh nghiệp.
* Anička Nguyen: Khi bị người xung quanh đánh giá ý tưởng khởi nghiệp mà mình vô cùng tâm đắc, tin vào sự khả thi của nó, và khao khát theo đuổi là điên rồ thì chúng ta nên làm gì?
 
Ông Lý Trường Chiến: Việc số đông đánh giá thấp một ý tưởng ban đầu là chuyện cũng rất bình thường. Bởi vì những cái mới, lạ, độc đáo thường là số ít và không phải mọi ý tưởng đều là tốt cả. Vậy nên, khi nghe họ dè bỉu thì mình nên gạn đục khơi trong, suy nghĩ và cân nhắc, tìm hiểu và khắc phục để hoàn thiện sản phẩm. Đây cũng là triết lý của các công ty công nghệ. Phiên bản alpha ra đời sẽ cho một bộ phận nhỏ sử dụng, đón nhận các chê bai góp ý, sau đó chắt lọc những góp ý  đó để hoàn thiện ra phiên bản beta.
Chúng ta nên trân trọng những người chê bai sản phẩm của mình vì đây chính là cơ hội để bạn tạo ra sản phẩm vượt trội và cần thiết cho thị trường. Hãy quan tâm và lắng nghe chí tình, gạn đục khơi trong. Đừng sa vào trạng thái chỉ mình biết. Suy cho cùng cái mà mình muốn kinh doanh, muốn lấy tiền từ khách hàng phải là "Bán cái họ cần" chứ không thể là "Bán cái mà không ai cần", và sẽ trở nên cực kỳ vô lý khi "Bán cái mình thích" mà lấy tiền người ta. Chỉ khi đáp ứng được sở thích, yêu cầu của khách hàng thì khi đó sản phẩm của mình mới có chỗ đứng trên thị trường.
* Theo ông, có nên tiến hành mua - bán doanh nghiệp trong giai đoạn Dịch bệnh Covid 19 đầy bất trắc này?
Ông Lý Trường Chiến: Tư vấn về mua bán doanh nghiệp phải căn cứ vào tình hình thực tế với đầy đủ thông tin. Một thương vụ mua bán có thành công hay không còn phụ thuộc phần lớn vào giá trị doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị hữu hình và giá trị vô hình.  Tiếc là không phải lúc nào cũng có thể thống nhất được hai giá trị này với nhau. Khi mua bán sáp nhập, người mua luôn hướng về giá trị mà tổ chức - thương hiệu – doanh nghiệp đó có thể đạt đến trong tương lai, và đưa ra cái giá phù hợp.


Ông Trần Sĩ Chương: Nói thật lòng rằng, những công ty khởi nghiệp thường có giá trị bằng 𝗭𝗲𝗿𝗼 ( = 0). Nếu doanh nghiệp của bạn chưa có doanh thu thì bạn khó có thể đòi hỏi nhiều được. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thực sự có tiềm năng, bạn có thể đưa ra một con số cụ thể mà bạn cần đầu tư kèm các cam kết về cách sử dụng vốn và tiến độ phát triển mà doanh nghiệp sẽ đạt được cụ thể trong bao lâu đó. 
Ông Lý Trường Chiến: Thường thì những nhà đầu tư đến với bạn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp có xu hướng tập trung đầu tư vào con người nhiều hơn là vào thị trường.
Ông Trần Sĩ Chương: Điều thường gặp ở Việt Nam là các bạn khởi nghiệp một mình. Một người mà phải lo hết từ kỹ thuật, marketing, nhân sự ... thì công ty này cho không tôi cũng không lấy. Con người có giới hạn, một người lo tất cả thì không thể có giá trị cao được. Rồi các nhà đầu tư sẽ hỏi tại sao anh/chị không có “partner”, tức là anh/chị không tin ai, thì tiêu rồi. Cái thiếu nhất ở nước mình bây giờ là “vốn xã hội”, là lòng tin giữa người với người. Mà như vậy thì đi đường xa khó lắm.
Đơn cử như doanh nghiệp tôi mới thành lập ở Huế cần đến năm người đồng hành. Mỗi người chỉ tập trung phần việc của họ thì mới được việc. Vì một người đảm nhiệm hết tất cả ắt thất bại tăng theo cấp số nhân. Trong năm đối tác này chỉ cần thiếu 1 người thôi cũng sẽ khó khăn vô cùng. Dù chúng ta làm được 99% rồi, chỉ thiếu 1% cuối cùng thì chuyện mình cần nó cũng không ra. Có hai thử thách cần giải quyết khi tìm người đồng hành gồm: Tìm đúng người đúng việc, phù hợp bức tranh của mình; Và có cam kết rõ ràng cụ thể để ai cũng yên tâm đóng góp.
Ông Lý Trường Chiến: Ngoài ra còn cần tuân theo nguyên tắc "tuân thủ nguyên tắc", khi cần "tái thảo luận để điều chỉnh" chứ không "tự ý điều chỉnh".


* Hiện em đang vận hành 5 cơ sở kinh doanh với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. Em đang phân vân về việc có nên mở rộng thêm cơ sở mới để tạo chuỗi cung ứng và hệ sinh thái riêng cho thương hiệu của mình. Mong hai anh cho em xin lời khuyên!
Ông Lý Trường Chiến: Bạn chỉ có hơn 1 tỷ tiền vốn mà đầu tư nhiều như vậy, mỗi cái chưa tới 500 triệu, chắc chắn sẽ không ra đâu vào đâu. Nhiều khi 1,5 tỷ này bạn tập trung cho chỉ một dự án thì đã tạo ra dòng tiền ổn định. Cái này do tham thôi, chi bằng mình làm tốt 1 – 2 cái, 3 – 4 cái còn lại để cho người khác làm thì tất cả đều thành công. Năng lực và nguồn lực giới hạn mà lại đầu tư tùy tiện, dàn trải tất yếu manh mún, không tạo được giá trị, sẽ mất cân đối trong ngắn hạn, dẫn tới thua lỗ, suy giảm giá trị sản phẩm. Chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị không nhất thiết do một mình mình tạo ra mà nên liên kết và trao niềm tin với các đối tác phù hợp để cùng tạo dựng khi thương hiệu còn rất nhỏ. 
Ông Trần Sĩ Chương:  Ông bà mình có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, tuy rằng không phải lúc nào cũng đúng nhưng mà hợp lý. Ví dụ như công ty Vinasoy chỉ tập trung sản xuất tất cả các sản phẩm về đậu nành, doanh thu mỗi năm đạt tầm 6 ngàn tỷ đồng, chiếm hơn 70% thị phần. Bạn chỉ cần tập trung vào một chuyện thôi. Thiếu công nghệ thì đi mượn hoặc đi mua công nghệ. Làm chuyện gì càng đơn giản, càng tập trung thì xác suất thành công càng cao.

* Doanh nghiệp của em hoạt động trong mảng giáo dục hơn 2 năm. Gần đây do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 gặp nhiều khó khăn nên cổ đông đòi rút vốn. Em rất phân vân không quyết định được là nên tiếp tục theo đuổi đam mê hay dừng lại cho an toàn. Mong hai anh tư vấn giúp em!
Ông Trần Sĩ Chương: Câu hỏi của bạn là câu hỏi đáng giá 10 triệu đô mà doanh nghiệp nào cũng cần.
Ông Lý Trường Chiến: Tôi xin chia sẻ với bạn rằng, hoạt động trong hai lĩnh vực giáo dục và y tế thì không sợ mất thị trường. Nhưng để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cũng như phù hợp với giai đoạn Covid thì nên cân nhắc chuyển hóa hình thức kinh doanh. 
Nếu các cổ đông đòi rút vốn thì cần xem lại cam kết và trách nhiệm của cổ đông với doanh nghiệp chứ không phải cứ thấy khó là rút, và nếu muốn rút thì được rút bao nhiêu. Sau đó mình tính lại tiến trình kinh doanh, cần thêm cái gì và tìm những điều đó từ đâu. Đây là buổi chia sẻ số đông nên những câu hỏi cụ thể như này chỉ có thể mang tính định hướng khái quát chứ chưa có đủ thông tin để góp ý sâu.
Ông Trần Sĩ Chương: Cái khó này là cái khó chung của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bình thường vấn đề doanh nghiệp thay đổi là do thị trường. Thay đổi “cầu” thị trường, mình cộng trừ 20% là tương đối, còn Covid là chuyện “trời sập” làm sao mà tính được. Không ai biết khi nào nó xong nó hết. Rồi khi nó hết nó xong thì bình thường mới sẽ như thế nào, cấu trúc xã hội sẽ ra sao, có thể có một mô hình giáo dục mới hay không nên hôm nay không thể nói được hết. Chuyện doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid và cách giải quyết thì báo chí nói nhiều rồi, bạn cũng nên chủ động tìm đọc tham khảo. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp nên tự tùy hoàn cảnh của mình để có phương án giải quyết hợp tình hợp lý với nhau.

* Doanh nghiệp của em đang trong giai đoạn cần tăng tốc, nhưng em lại muốn giảm số lượng cổ đông và tìm người thực sự có thể đồng hành lâu dài. Theo các anh, em quyết định như vậy có hợp lý?
Ông Lý Trường Chiến: Định hướng này là hoàn toàn đúng đắn nhưng nên căn cứ tình trạng thực tế của từng doanh nghiệp để có hành động phù hợp. Doanh nghiệp của bạn có vẻ đang bắt đầu trả giá, bắt đầu hiểu mình cần tìm người đồng hành như thế nào rồi chứ không chỉ là vấn đề tiền. Lúc thiếu tiền cứ nghĩ có tiền là có tất cả. Bây giờ có tiền rồi mới thấy còn nhiều vấn đề hơn, thậm chí không thể giải quyết được. 
Ông Trần Sĩ Chương: Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam hay mắc phải chuyện tất cả những người góp vốn đều đòi làm lãnh đạo, lắm thầy nhiều ma. Các bạn Startup hãy cẩn thận khi kêu gọi đầu tư. Và tốt nhất những người góp vốn cứ ngồi yên ở HĐQT đi, rồi thuê người biết việc điều hành. Đừng vừa đá bóng vừa thổi còi mà rối.

* Theo các anh, Startup mới thành lập thì nên tập trung cung ứng dịch vụ tại địa phương hay nên mở rộng thị trường đến các tỉnh thành lân cận? 

Ông Lý Trường Chiến: Cộng đồng khởi nghiệp ở Huế có thể phát triển hơi chậm hơn một số nơi. Các bạn nên tích cực rảo bước nhanh hơn trong việc củng cố nội lực, trao đổi thông tin và tìm những đối tác phù hợp để phát triển. Thế giới hôm nay dù đang phải tạm giới hạn vì dịch Covid nhưng vẫn là thế giới mở nên các bạn hãy tư duy theo hướng mở, tích cực, gạn đục khơi trong và có sự sàng lọc. Thay vì tư duy thị trường chỉ ở Huế, hoặc chỉ là trong phạm vi 100 triệu dân thì chúng ta cũng có thể thay đổi phân khúc phục vụ. 
Ông Trần Sĩ Chương:  Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp ở Huế hay mặc cảm Huế chậm, sức tiêu thụ thấp, Huế mà làm được gì. Nhưng tôi vẫn thường nói với các bạn, chính ở những chỗ này thì cầu mới cao. Mình phải mở con mắt ra, quan tâm đến “cầu” của người ta, nhìn thấy và phát hiện được những điều mà người khác làm chưa tốt, chưa khiến khách hài lòng thì đó là cơ hội của mình. Rồi sau đó mình tổ chức lại công việc và lan tỏa dần. Khi đó không còn ranh giới nữa. Không cần nghĩ quá xa. Tôi tin chỉ hai ba năm nữa thôi, mỗi sáng mở mắt ra là đọc được tin công ty nào đó ở Sing, Mỹ mua một công ty công nghệ mới ở Huế, ở Việt Nam.
Ông Lý Trường Chiến: Người Việt và người Ấn được thế giới công nhận là rất giỏi công nghệ. Gần đây có khá nhiều công ty ở Singapor đặt vấn đề qua Việt Nam để đầu tư về công nghệ. Bạn kinh doanh ở kỷ nguyên 4.0 hay kỷ nguyên nào đi nữa thì muôn đời điều cốt yếu cũng chỉ là quan hệ giữa con người với con người. Giá trị cốt lõi theo tôi có thể tóm tắt trong 8C: "Công tác - Chân thành - Chính trực - Chuyên nghiệp - Chất lượng - Chuẩn xác - Chăm sóc - Chu đáo".
Vậy nên hãy "Quan tâm sâu sắc - Tư duy tích cực - Thảo luận chí tình - Giải pháp thông minh - Lắng nghe cuộc sống - Tu dưỡng chính mình - Thích ứng thay đổi - Chủ động sáng tạo - Tương tác liên thông - Dẫn dắt thành công - Phát triển vững bền". Như vậy mới có được thành công.
Ông Trần Sĩ Chương: Đã theo đuổi việc khởi nghiệp thì mở mắt ra là quan tâm xem người ta cần cái gì mình mới tổ chức cái cung được. Làm gì là phải làm cho đến nơi đến chốn, chỉn chu. Buổi nói chuyện này đóng lại nhưng lại mở ra những gợi mở mới trong tư duy của các bạn. Hy vọng từng thành viên tham gia có thể tiếp nhận giá trị và chuyển hóa thành thành công cho doanh nghiệp của các bạn.
Diễm Châu biên tập.

 

Nguồn: https://www.facebook.com/khoinghiep.hue.7/posts/348606946559714