0915.489.819

Thấy gì từ cái chết của gần 80.000 doanh nghiệp?

Nếu như giữa đầu năm 2011, những doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản gặp khó khăn do thị trường đóng băng, thì nay hầu như tất cả mọi ngành, nghề đều đứng trước nguy hiểm. Khó khăn gay gắt từ môi trường kinh doanh buộc các doanh nghiệp phải tự đổi mới mình để tồn tại. Dù không phải nỗ lực này bao giờ cũng thành công…
 
Theo công bố hôm 14/3 vừa qua của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2011 cả nước có 79.014 doanh nghiệp giải thể. Tuy nhiên, con số thực tế có lẽ lớn hơn nhiều…

Phá sản hàng loạt

Theo dữ liệu của Tổng cục Thuế, trong số hơn 600.000 doanh nghiệp đã được cấp phép đăng ký kinh doanh, chỉ có hơn 400.000 doanh nghiệp hiện vẫn còn đóng thuế. Điều này cho thấy, con số hơn 79.000 doanh nghiệp giải thể do VCCI và WB đưa ra chỉ là những doanh nghiệp có làm thủ tục giải thể, được chính thức ghi nhận. Hơn 120.000 doanh nghiệp còn lại có thể cũng đã giải thể hoặc ngừng hoạt động...

VCCI cho biết, trung bình những năm qua, mỗi năm có khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp phá sản/giải thể, tức thấp hơn năm 2011 khoảng 8 lần. Tuy nhiên, tốc độ tăng của năm 2011 vẫn chưa phải là ghê gớm nếu so với những tháng đầu năm 2012. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ, có 169 doanh nghiệp đã làm thủ tục phá sản trong 2 tháng đầu năm tại Hà Nội, cao gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2011. Tại TP.HCM, số liệu từ Cục Thuế cho biết, trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp xin giải thể hoặc ngưng hoạt động lên tới hơn 3.000, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu như giữa đầu năm 2011, những doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản gặp khó khăn do thị trường đóng băng, thì nay hầu như tất cả mọi ngành, nghề đều đứng trước nguy hiểm. Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính trong năm nay 20% doanh nghiệp thủy sản phải phá sản vì thị trường xuất khẩu khó khăn, khó tiếp cận vốn vay. "Đại gia" thủy sản Bình An đang tính đến phương án bán cả nhà máy và một số bất động sản để trả nợ, Công ty TNHH Thủy sản An Khang (Cần Thơ) vừa vỡ nợ 500 tỷ đồng, doanh nghiệp tư nhân Vạn Hưng (Sóc Trăng) có giám đốc bị bắt vì vỡ nợ hàng chục tỷ đồng… Ngoài ra, các doanh nghiệp ở những ngành nghề khác cũng gặp khó không kém. mới nhất là trường hợp của Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (HANIC - mã SHN). Phát biểu trước báo giới ngày 17/3, Chủ tịch HĐQT HANIC Đinh Hồng Long cho biết: "HANIC đang đứng trước nguy cơ bị phá sản"...

Chịu đau để dần dần khỏe lên

Theo giới chuyên môn, kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại sau khủng hoảng, các thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính hơn và lãi suất ngân hàng cao… là những lý do chính dẫn đến cái chết hàng loạt của các doanh nghiệp trong nước. Ông Nguyễn Xuân Thành, đại diện Công ty sản xuất trà, cà phê Hoàng Thành (quận Bình Tân, TP.HCM), một đơn vị vừa nộp hồ sơ giải thể cho biết: "Lợi nhuận không đủ bù chi phí, không có tiền trả lương mà ngân hàng không cho vay thêm, đành phải đóng cửa". Trong khi đó, doanh nghiệp Phát Tiến Phát (Q.8) cho biết, nguyên nhân giải thể của họ là do đối tác ở nước ngoài gặp khó khăn, thị trường bị thu hẹp, cộng thêm nguồn vốn cũng eo hẹp.

Ở lĩnh vực thủy sản, trước những động thái kiểm tra dư lượng kháng sinh khắt khe của các nhà nhập khẩu Nhật Bản, một số doanh nghiệp thủy sản lớn đã chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu của mình. Song khó khăn này vừa được giải quyết, khó khăn khác lại ập tới. Từ tháng 1/2012, thuế môi trường chính thức được áp dụng, theo đó doanh nghiệp phải bỏ ra thêm khoảng vài tỷ đồng/năm (chi phí sử dụng túi nilon). Nhiều chi phí tăng cao khiến cho thủy sản Việt Nam đang giảm tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Trong khi đó, thách thức của ngành hàng trang trí nội thất lại nằm ở chất lượng và thị hiếu khách hàng, theo ông Hiroshi Sakamoto, chuyên gia về hàng trang trí nội thất của Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC)…

Nhưng khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp "kêu trời" nhất vẫn là khó tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp. Ông Dũng, Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Thanh Dũng (Q. Tân Bình) - đơn vị vừa bố cáo giải thể doanh nghiệp - bức xúc: "Hàng tháng tôi phải trả chi phí thuê mặt bằng 17 - 18 triệu đồng, cộng với chi phí sản xuất tăng liên tục, thêm lãi suất ngân hàng cao khiến hai năm nay càng làm ăn càng thâm hụt hết vốn. Lập công ty ra mà… ai cũng đói, thì đành phải giải thể, chờ cơ hội khác thôi".

Đối với sự đi xuống của thị trường tiêu thụ toàn cầu, nhiều doanh nghiệp chỉ biết hy vọng, "sau cơn mưa trời lại sáng". Nhưng cũng không ít công ty nhân cơ hội này để tái cơ cấu. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sẽ có khoảng 20% doanh nghiệp thép phá sản trong năm 2012, do các dự án bất động sản, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn "án binh bất động". Hiện nay, Công ty Thép Việt đã phải cắt giảm 50% công suất, Công ty Thép Vạn Lợi tuyên bố ngừng sản xuất… Nhiều công ty khác chỉ hoạt động khoảng 30-40% công suất. Dù vậy, ông Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch thường trực Hội Vật liệu xây dựng tin rằng, khó khăn hiện nay chính là cơ hội để ngành hoàn thiện hơn, chẳng hạn về quy mô đầu tư, công nghệ… "Nay các nhà đầu tư sẽ phải suy nghĩ. Thay vì "tay không bắt giặc", khi đầu tư họ phải quan tâm đến công nghệ, quy mô, thị trường, năng lực tài chính, đội ngũ cán bộ... Đau hiện nay là đau tạm thời, nhưng cái được là ngành sẽ phát triển theo hướng khác, tích cực hơn. Chính "cơn đau" này sẽ giúp chúng ta nhìn nhận lại", ông Cung nói.

Xoay vốn từ nhà đầu tư ngoại

Một cách tiếp cận nguồn vốn khá hữu hiệu mà nhờ đó một số doanh nghiệp trong nước đã gặt hái được thành công nhất định: kêu gọi vốn từ quỹ đầu tư. Nếu gọi vốn thành công, doanh nghiệp không chỉ thoát hiểm về vốn mà còn được hưởng sự trợ giúp về quản trị và công nghệ từ đối tác. Mới đây, Quỹ đầu tư mạo hiểm Dream Incubator Inc và Tập đoàn Orix đã mua 31% cổ phẩn của CTCP Thiết bị y tế Việt - Nhật thông qua Quỹ đầu tư DI Asian Industrial Fund LP với trị giá gần 100 triệu USD. Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Ventures Inc thuộc Tập đoàn CyberAgent Inc đã hoàn tất việc mua cổ phần của CTCP NCT, đơn vị quản lý website nghe nhạc nhaccuatui.com, để giúp NCT mở rộng nội dung kinh doanh từ việc ứng dụng công nghệ lẫn kinh nghiệm hoạt động về mạng. Tất nhiên, để kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ, doanh nghiệp phải hoạch định được chiến lược phát triển đúng đắn, có tính thuyết phục, doanh nghiệp phải kinh doanh đạt hiệu quả cao hoặc có triển vọng đạt được hiệu quả cao trong tương lai.

Theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến, giải pháp tổng quát cho các doanh nghiệp là cần gia tăng thực chất về năng lực quản trị, không ngừng hoàn thiện tổ chức và hệ thống thông qua tái cấu trúc triệt để, cắt bỏ những phần không hiệu quả. Ông còn khuyên, nếu có điều kiện, hiện là thời điểm nên mua vào các cơ sở hạ tầng và hệ thống khách hàng... của các doanh nghiệp phá sản. Với một vài doanh nghiệp khó chuyển đổi thì cần giảm cường độ hoạt động, kiểm soát thật kỹ thu chi, có "chi" cũng đừng có "phí", dùng chiến thuật "gấu ngủ đông" để vượt qua khó khăn và sẵn sàng cho những cơ hội mới.

Bài: Vĩnh Khoa
Minh họa: H.P