0915.489.819

TPP: Cơ hội chỉ đến với những doanh nghiệp được chuẩn bị

Kim Yến
“Sau hiệp định TPP vừa được ký kết chưa đầy bảy ngày, tôi đã tiếp 30 đoàn doanh nghiệp nước ngoài, họ đi theo dòng chảy của các thương hiệu quốc tế. Việt Nam sẽ là công xưởng của thế giới, đa phần là Mỹ", ông Đỗ Long, Tổng giám đốc công ty Bita's nói trong buổi tọa đàm "TPP trong mắt doanh nhân Việt" do BizLIVE tổ chức ngày 12/10/2015.

TPP: Cơ hội chỉ đến với những doanh nghiệp được chuẩn bị

Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bita’s
Ngành dệt may và da giày: Chia lợi và chia cơ hội
Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu giảy dép đã đạt 2 tỷ USD, 6 tháng đầu năm nay đạt 5,85 tỉ USD.
"Đây có thể coi là sự đổ bộ lần thứ hai của Mỹ vào Việt Nam. Cơ hội chỉ đến với những doanh nghiệp được chuẩn bị", ông Đỗ Long nhận định.
Là một trong những doanh nhân hiếm hoi được tiếp cận với TPP gần hơn, tham dự hai hội thảo lớn về TPP tại New York với các doanh nghiệp Mỹ, ông Đỗ Long cho biết: “Phái đoàn Mỹ quá hùng hậu, toàn là các chủ tập đoàn lớn. Họ quan tâm đến vấn đề công đoàn độc lập. Nhưng theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam không ngại lắm đâu, vì công đoàn độc lập sẽ giúp cho doanh nghiệp lo lắng tốt hơn cho đời sống công nhân”
Nói riêng về ngành da giày, hiện Việt Nam có khoảng 3.000 đến 4.000 doanh nghiệp, năm 2014 đạt doanh thu 11 tỷ USD, năm nay khoảng 15 tỷ USD, nhưng trong đó doanh thu của doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% là doanh nghiệp nước ngoài.
"TPP tràn vào thì… mừng nhất là khối FDI. Vốn ngoại sẽ đổ vào ồ ạt. Chắc chắn các thương hiệu lớn sẽ đi theo. Tôi nghĩ giữa năm sau thị trường sẽ chuyển động", ông Long nhận định.
Vẫn theo ông Đỗ Long, những doanh nghiệp Việt Nam nếu bây giờ mới sực tỉnh thì có tăng tốc cũng chạy không kịp. Nhưng ngược lại, nếu chuẩn bị từ hai năm trước về nguyên vật liệu, trả lương tốt hơn, đầu tư con người tốt nhất thì hai năm sau sẽ có sản phẩm tốt nhất.

Hiện 80% nguyên phụ liệu nằm ở Trung Quốc, hy vọng sắp tới sẽ chuyển về Việt Nam, nhưng để sản xuất được nguyên phụ liệu, doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư cực kỳ công phu. Lao động sẽ chuyển dịch, nghề tư vấn sẽ phát triển…

 

 Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch tập đoàn Việt Hương
Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch tập đoàn Việt Hương lại cho rằng TPP không giúp doanh nghiệp được chia lợi ngay, mà cái chính là chia cơ hội: “Là người trực tiếp sản xuất, tôi thường bám theo các chính sách của Tổng thống Mỹ, Ông Obama “xoay trục” ở đâu thì đầu tư ở đó chắc thành công".
Theo ông Chi, sự xoay trục không chỉ mang tính chính trị, mà còn ý nghĩa chiến lược, kinh tế.
"Bắt đầu từ năm ngoái chúng tôi đã chuẩn bị, thấy trước một bước rồi. Kết hợp đủ luồng thông tin, tôi đã đầu tư 60 triệu USD cho các thị trường Mỹ, Hong Kong vàViệt Nam, trong đó Mỹ là chính. Tôi kỳ vọng lớn nhất là thị trường Mỹ. Tôi đã mua đất khu công nghiệp để đón đầu, vậy mà vẫn không kịp để họ xây nhà máy", ông Cho cho biết.
Điều mà ông Chi cảm thấy "đau lòng" là ông không sợ trả lương cao, mà chỉ sợ người ta không đáp ứng được với mức lương đó.
"Cách đây 6 năm tôi đã đầu tư nhà máy 400 triệu USD, phát triển ngành dệt nhuộm, phải thuê kỹ thuật Thượng Hải, thuê giám đốc Mỹ, nhưng về cách tiếp thị thì công ty vẫn thua xa nước ngoài", ông nói.
Cách làm của ông Chi là "chia" công ty ra 18 doanh nghiệp khác nhau, chia nhỏ thành những doanh nghiệp chuyên làm nút, kim, fermeture, đế giày… để cuối cùng có thu nhập rất lớn.
"Tôi nghĩ vai trò của doanh nghiệp dẫn đầu là phải chia lại thị phần cho các chuỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy bằng cách giữ nguyên tỉ giá, doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy kỹ thuật", ông Chi nhấn mạnh.
Trước lo ngại vào TPP, doanh nghiệp nước ngoài sẽ được hưởng hết, ông Hàng Vay Chi nói: “ Trong 12 nước TPP, chỉ có Việt Nam mạnh về dệt may, giày da túi xách, nông sản, trong đó mạnh nhất vẫn là dệt may. Trong hai tháng  đầu năm, ngành dệt may tràn vô 2 tỷ USD, người nước ngoài khoác áo Việt Nam là chắc chắn. Đừng quá quan trọng việc Made in Vietnam".
Ông Chi cũng dự đoán xu hướng M&A sẽ mạnh hơn, bởi quy luật của kinh doanh là có tiền thì mua, lời là bán.
"Vấn đề là tích lũy. Nếu có tích lũy thì khoảng 5 năm nữa mình sẽ có thể mua lại doanh nghiệp mà mình đã bán, có sao đâu. Mình không được chia lợi mà chia cơ hội, 5 năm sau đưa giá trị mình lên thì mình mua lại mấy hồi", ông nói.
Nông nghiệp và nông dân: Cuộc chơi sẽ nghiêm ngặt, nhưng cởi mở hơn
Chuyên gia kinh tế Bùi Văn cho rằng cuộc chơi ASEAN là xuề xòa với nhau, Việt Nam còn được coi là đại gia. Còn cuộc chơi TPP rất nghiêm ngặt, mình chẳng là gì cả, nên không ai nhân nhượng mình đâu.

"TPP theo cơ chế thị trường, không quy định cho riêng một quốc gia nào. doanh nghiệp không chỉ làm ăn trong nội bộ quốc gia nữa, mà có thể chơi với toàn cầu", ông Văn nói.

 

Chuyên gia kinh tế Bùi Văn  
Còn ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn thì lại tỏ ra lo lắng: “Nói chuyện với các doanh nghiệp nhựa hiện nay, ai cũng lùng bùng cả. Nhiều doanh nghiệp nhựa Thái Lan đang qua đây đòi mua lại các doanh nghiệp nhựa trong nước".
Ông Việt Anh cho biết: Ngành nhựa Việt Nam xuất khẩu chỉ có 20% là của nội địa thôi, còn 80% là của FDI. Ngành nhựa có đặc biệt, vào Nhật, Mỹ là lớn nhất, nhưng bị chặn bằng chống thuế phá giá 76%. Thế thì cũng huề cả làng.
"Các doanh nghiệp nhỏ sẽ tiêu. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, nếu các hiệp hội kết hợp các doanh nghiệp nhỏ với nhau để cùng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, may ra mới mạnh lên. Ở Nhật 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ có những tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đi ra thị trường quốc tế rất hiệu quả”, ông Việt Anh nói.
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn
Ông Quách Thành Đồng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Nông dược HAI, cho biết: “ Việt Nam chưa tự sản xuất được, mà hoàn toàn nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật. Khi TPP tràn vào, thuế giảm đi thì giá nông sản sẽ cạnh tranh tốt hơn".

Theo ông, cách đây nửa tháng HAI đã khởi công nhà máy công nghệ cao để đón sóng TPP qua hợp tác với HAI, dự kiến đầu tư khoảng 150 tỷ USD, theo hướng đầu tư chuỗi giá trị khép kín theo kiểu mua nông sản từ các nước về chế biến thành thức ăn gia súc, hy vọng kéo thức ăn chăn nuôi, thủy sản thấp xuống, xây dựng vùng nguyên liệu khép kín về nông sản.

 Ông Quách Thành Đồng, Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc Nông dược HAI

Ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch công ty tư vấn Việt Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm với nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long lo nhất về người nông dân với nông nghiệp: “Chúng ta đã có những tập đoàn lớn về nông nghiệp, nhưng thiếu hẳn các đại điền chủ, để tạo nên những cánh đồng mẫu lớn. Trong chiều dài thương thuyết TPP, các nước lớn như Mỹ, Nhật, Úc chỉ muốn bảo hộ cho nông dân thôi. Cuối cùng họ cũng phải hy sinh vì các tập đoàn lớn. Như vậy, Việt Nam rất khó có thể bảo đảm quyền lợi của người nông dân”.

 

 Ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch công ty tư vấn Việt Nam
Nói về quyền sở hữu, tích tụ ruộng đất, anh Đức cho rằng hiện đang có một sự chủ quan, duy ý chí: “ Cách ứng xử của Nhà nước với doanh nghiệp nước ngoài và trong nước còn nhiều phân biệt, dù hiện giờ chúng ta đã ở trong thế giới phẳng”
Thể chế và chính sách

Ông Thân Thanh Vũ, Phó chủ tịch hội Bất động sản Du lịch Việt Nam bày tỏ nỗi băn khoăn của doanh nghiệp: “TPP vào thì việc đi lại sẽ dễ dàng hơn, người lao động được đối xử bình đẳng. Chuyện mua nhà của người nước ngoài ở Việt Nam sẽ tăng lên, Bất động sản du lịch sẽ phát triển. Đầu tư bất động sản sẽ có chiều hướng tăng về đầu tư từ nước ngoài. Một số doanh nghiệp sẽ chết, nhưng không sao, họ sẽ tái sinh.

 

Ông Thân Thanh Vũ, Phó chủ tịch hội Bất động sản Du lịch Việt Nam
Doanh nghiệp đồng tiền liền khúc ruột, họ sẽ biết cách để tự bơi được thôi. Lo nhất là thể chế chính sách. Hy vọng TPP tác động vào thể chế, để tạo ra cách hành xử khác đi với doanh nghiệp".
Ông Vũ cũng cho biết: "Hiện chúng tôi đã có 7.200 dự án được chuẩn bị tốt mọi dữ liệu. Thông tin quyết định 50% thắng lợi. Mình tập trung vào mảng thông tin. Nhưng một vị quan chức nào đó có thể biến một dự án từ lời thành lỗ vì can thiệp một cách phi lý vào thiết kế…”.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du nhấn mạnh: “ TPP xóa rào cản giao thương, tạo ra những thiết chế để doanh nghiệp 12 nước tạo ra lợi thế cho những người đủ sức cạnh tranh và bất lợi cho những người kém cạnh tranh. Quan trọng hơn, TPP tạo sức ép về cải cách, tháo những tắc nghẽn, giống như cái bình thông nhau vậy. Kẻ được người mất, người mạnh sẽ được, người yếu sẽ mất".

Nhưng ông cũng tự đặt câu hỏi: Vậy chúng ta có bao nhiêu kẻ mạnh? Việt Nam mình có sự “ưu tiên ngược” là coi trọng doanh nghiệp FDI và xem nhẹ doanh nghiệp trong nước.

 

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du
"Bây giờ Nhà nước chỉ cần coi hai bên bằng nhau", ông nói. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vươn ra nhiều thể chế khác kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Du cũng cảnh báo: "Có một điều cần thận trọng, chúng ta đã từng kỳ vọng kinh tế nở lên gấp ba, bốn lần khi WTO được ký kết, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng từ đầu tư sang đầu cơ, tạo ra bong bóng, gây trục trặc cho nền kinh tế cả chục năm rồi. Nếu TPP tràn vào, doanh nghiệp chuyển hướng sang kinh doanh tài sản thì khả năng câu chuyện WTO sẽ trở lại”
Vẫn theo ông Huỳnh Thế Du, nhiều người cho rằng vào TPP là Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc là không đúng.
"Nếu kinh tế Trung Quốc mà trục trặc thì theo quỹ đạo thị trường, khả năng Việt Nam trục trặc theo là chắc chắn. Vì vậy, hãy nhìn TPP dưới khía cạnh khai thác lợi ích, và nên tận dụng nhiều hơn", ông Du nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Bùi Văn cũng tỏ ra tâm đắc với suy nghĩ này: “Xin đừng lấy TPP để kiềm chế Trung Quốc, và coi Việt Nam là một trong những chìa khóa then chốt. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Du về chuyện được gì, mất gì".
Ông Văn phân tích: Chúng ta hy vọng TPP tràn vào giá sẽ rẻ hơn, tiền đầu tư nhiều hơn? Nhưng tiền đầu tư tràn vào nhiều quá cũng bất lợi. Một trong những lý do khiến Việt Nam lâm vào khủng hoảng vừa qua là do nhiều tiền quá, lạm phát lên 27%, bệnh nhỏ mà uống quá nhiều thuốc thành ra bệnh lớn.

"Tôi không kỳ vọng lắm vào nguồn vốn, đồng tiền vào mà khả năng hấp thu không tốt là tai họa đó", ông Văn nói.

 

 Các diễn giả tham gia buổi Toạ đàm "TPP trong mắt doanh nhân Việt" do BizLIVE tổ chức ngày 12/10/2015.

KIM YẾN