0915.489.819

Tư vấn - Hướng nghiệp

Mặc dù không có nghề nghiệp nào chỉ cần duy nhất một loại kỹ năng hoặc năng khiếu. Nhưng tìm hiểu, xác định kỹ năng chủ yếu trong ngành đó sẽ có thể giúp bạn chọn được ngành học phù hợp với sở thích và sở trường của mình.  

Những nghề nghiệp cần kỹ năng ngôn ngữ: đó là, nói chuyện, kể chuyện, thông tin, hướng dẫn, viết, nói, sử dụng ngoại ngữ, phiên dịch, biên dịch, giảng dạy, thảo luận, tranh luận, nghiên cứu, nghe, đọc, sao chép, biên tập, báo cáo… Với những nghề được đề nghị như sau:

Thủ thư, chuyên viên lưu trữ văn thư, phụ trách bảo tàng, biên tập viên, biên dịch, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, nhà văn, nhà báo, phát thanh viên (MC), cố vấn pháp lý, luật sư, giáo viên (khối C,D), thư ký, diễn giả, hướng dẫn viên du lịch, chuyên viên quan hệ công chúng, quản trị truyền thông, copywriter (người viết bài quảng cáo), nghiên cứu và khảo sát thị trường (chắt lọc thông tin thị trường), ngành sư phạm …

 

Những nghề nghiệp cần kỹ năng Logic: đó là, tài chính, ngân hàng, nghiên cứu kinh tế, tính toán, kế toán, đưa ra giả thuyết, ước lượng, sử dụng số liệu, kiểm toán, suy luận, phân tích, phân loại, sắp xếp thứ tự, hệ thống hóa… Với những nghề được đề nghị như sau:

Kế toán, kiểm toán, nhà thống kê, nhà toán học, nhà khoa học, ngành xây dựng/kiến trúc, bác sĩ đa khoa/bác sĩ gia đình, làm trong ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật viên, nhà kinh tế, chuyên viên tài chính – ngân hàng, giáo viên (khối A,B), …

Những nghề nghiệp cần kỹ năng định hướng không gian: đó là, vẽ, minh họa, thuyết trình bằng hình ảnh, tưởng tượng, thiết kế, phát minh, chụp ảnh, trang trí, quay phim, không gian 3 chiều… Với những nghề được đề nghị như sau:

Kỹ sư, kiến trúc sư, nghề khảo sát (địa hình), design (đồ họa), trang trí nội thất, nhiếp ảnh gia, giáo viên nghệ thuật, đồ họa viên (họa viên kiến trúc), nhà mỹ thuật, điêu khắc, phi công…

Những nghề nghiệp cần kỹ năng âm nhạc: đó là, hát, chơi nhạc cụ, thu băng, chỉ huy dàn nhạc, cải biên, sáng tác, lên dây (đàn), hòa âm phối khí, phân tích và phê bình, sáng tác… Với những nghề được đề nghị như sau:

Nghề DJ (người hòa âm, phối khí), nhạc công, nhạc sĩ, ca sĩ, người làm dụng cụ nhạc, người chỉnh âm, chuyên gia trị liệu bằng âm nhạc, kỹ thuật viên phòng thu, lĩnh xướng, chỉ huy dàn nhạc, kỹ thuật viên phòng thu, người chép nhạc, giáo viên âm nhạc, giáo viên mẫu giáo…

Những nghề nghiệp cần kỹ năng vận động cơ thể: đó là, giữ thăng bằng, nâng vác, đi bộ, chạy, nhảy…, làm đồ thủ công, vận chuyển, phân phát, sản xuất, sửa chữa, lắp đặt, vận hành, cứu hộ, trình diễn thời trang, chơi thể thao, du lịch, tổ chức các hoạt động ngoài trời… Với những nghề được đề nghị như sau:

Nhà vật lý trị liệu, người làm trong lĩnh vực giải trí, diễn viên, vũ công, người mẫu, thợ máy – mộc – thủ công – kim hoàn…, giáo viên thể dục, biên đạo múa, vận động viên, hướng dẫn viên thể dục dụng cụ - nhịp điệu… 

Những nghề nghiệp cần kỹ năng tương tác cá nhân đó là, giao tiếp, phục vụ, tiếp đón, cảm thông, buôn bán, dạy học, huấn luyện, tư vấn, cố vấn, hướng dẫn, đánh giá người khác, thuyết phục, thúc đẩy, bán hàng, tuyển dụng, truyền cảm hứng, quảng cáo, động viên, giám sát, hợp tác, ủy quyền, dàn xếp, cộng tác, phỏng vấn… Với những nghề được đề nghị như sau:

Quản lý – quản lý nhân sự, giám đốc: Giám đốc quảng cáo – Giám đốc nghệ thuật – Giám đốc truyền thông và xúc tiến thương mại – Giám đốc tiếp thị - Giám đốc xã hội…, thiết kế đồ họa, trang trí nội thất, thiết kế truyền thông đa phương tiện, chuyên gia quan hệ công chúng (PR), chuyên gia tiếp thị, chuyên gia đào tạo và phát triển/người phỏng vấn nhân sự, giáo viên tâm lý/công tác xã hội học đường, hiệu trưởng, nhà xã hội, huấn luyện viên, luật sư/người hòa giải, y tá, đại lý du lịch, nhân viên bán hàng, tư vấn du học, tiếp viên hàng không…

Những nghề nghiệp cần kỹ năng quản lý: đó là, thực thi các quyết định, làm việc độc lập/làm việc nhóm, đặt mục tiêu, thúc đẩy bản thân, đề xướng, đánh giá, định giá, lên kế hoạch, tổ chức, cân nhắc các cơ hội… Với những nghề được đề nghị như sau:

Nhà quản lý giáo dục; người tổ chức chương trình, doanh nhân, chuyên gia quản trị nhân sự, nghề quản lý, quản trị truyền thông, quản trị dự án, quản trị Du Lịch và Khách Sạn, trợ lý giám đốc, giám đốc tiếp thị, nhóm nghề quản trị…

Tóm lại, dù không có nghề nghiệp nào chỉ cần duy nhất một loại kỹ năng hoặc năng khiếu. Như - muốn chọn các ngành xây dựng thì phải có kiến thức toán, lý tốt vì cần tính toán nhiều (nhưng học ngành này bạn phải “cày” ở công trường nên phải xem xét mức chịu đựng được nắng mưa, đi xa…). - Hướng dẫn viên du lịch phải là người có tinh thần hướng ngoại, có kĩ năng giao tiếp trước đám đông, nhưng cũng cần có vốn hiểu biết về văn hóa học. - Và như để theo đuổi ngành luật, các bạn cần có kỹ năng suy diễn, hùng biện, thuyết trình, giao tiếp tốt, nhưng nếu là luật sư kinh tế (thuế) lại cần có kỹ năng logic toán học, một luật sư về ngành giải trí lại cần có khả năng về âm nhạc, nghệ thuật… Như vậy, việc kết hợp các kỹ năng tương ứng với mỗi ngành nghề đều khá phức tạp. Bài viết trên chỉ nêu ra một danh sách (tổng quát) để giúp bạn có cảm nhận ban đầu xem kỹ năng chính và nghề nghiệp nào phù hợp với bạn. Kế tiếp, các bạn có thể xem các bài cụ thể để tìm hiểu sâu thêm về yêu cầu kỹ năng của bạn, cơ hội việc làm sau này và các cơ sở có đào tạo cho nghề nghiệp đó.

Ngoài ra, các bạn cũng nên lưu ý, chương trình đào tạo trang bị cho người học những kiến thức cơ bản. Để có thể làm việc và phát huy năng lực tốt hơn, bạn phải không ngừng phấn đấu, trang bị thêm các kỹ năng mềm phục vụ cho công việc của mình. Trên thực tế, không nhất thiết học ngành nào là chỉ phải làm việc trong ngành đó. Như ngành kiểm toán đào tạo phần lớn môn học giống như kế toán. Chương trình học có khác nhau nhưng người tốt nghiệp kiểm toán vẫn có thể làm kế toán, và ngược lại, người tốt nghiệp kế toán cũng có thể thi lấy chứng chỉ hành nghề để làm kiểm toán viên. (Tuy nhiên, vừa tốt nghiệp ngành kiểm toán chỉ có thể làm kiểm toán nội bộ ở các công ty. Muốn làm kiểm toán viên ở các công ty kiểm toán độc lập hay kiểm toán nhà nước, ứng viên phải học và được cấp chứng chỉ hành nghề mới được làm kiểm toán viên). Hoặc như, không phải chỉ những người tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng mới có thể làm việc trong ngân hàng. Trong ngân hàng có nhiều phòng ban khác nhau, họ cần người tốt nghiệp ở các lĩnh vực phù hợp như marketing, nhân sự, công nghệ thông tin, tài chính..., do đó học các ngành khác cũng có thể làm việc trong ngân hàng v.v…

 

Theo TRITRI Foundation